Thứ Hai, 31 tháng 10, 2011

Ảnh hưởng của văn hoá Đông – Tây đối với địa vị của phụ nữ Việt Nam trong lịch sử**

Đặng Thị Vân Chi


         Vấn đề địa vị của phụ nữ Việt Nam trong lịch sử là vấn đề được khá nhiều nhà nghiên cứu quan tâm đặc biệt từ khi địa vị của phụ nữ được coi là thước đo trình độ văn minh của một xã hội , một quốc gia. Vì vậy đây cũng là vấn đề có nhiều ý kiến khác nhau. Một ý kiến khá phổ biến xuất phát từ những ảnh hưởng của Nho giáo trong xã hội Việt Nam cho rằng phụ nữ Việt Nam có địa vị xã hội rất thấp. Tuy nhiên, gần đây lại có nhiều ý kiến khác về vấn đề này như nhà dân tộc học Từ Chi xuất phát từ những nghiên cứu dân tộc học đã cho rằng phụ nữ Việt Nam có địa vị “hai mặt” trong đời sống xã hội và gia đình, (1) hay giáo sư Trần Quốc Vượng xuất phát từ những tư liệu lịch sử và văn hoá lại cho rằng có một “nguyên lí mẹ” trong văn hoá Việt Nam (2) ; còn giáo sư Insun Yu (Hàn Quốc) nghiên cứu qua tư liệu lịch sử và qua những bộ luật thời phong kiến cho rằng xã hội Việt Nam là một xã hội “lưỡng hệ”-như phần lớn các nước ở Đông Nam Á- trong đó phụ nữ và nam giới có địa vị ngang nhau và phụ nữ Việt Nam được tôn trọng hơn cũng như có địa vị trong gia đình cao hơn so với phụ nữ của các quốc gia Đông Á khác như Trung Quốc và Nhật Bản…(3)
        Tuy vậy, khi đề cập đến vấn đề địa vị xã hội của phụ nữ người ta không thể tách rời vấn đề vai trò của phụ nữ , đặc biệt trong nền sản xuất xã hội. Bà A.M Colôntai trong nghiên cứu của mình đã đi đến kết luận: “ Địa vị của người phụ nữ thường được quyết định bởi nhiệm vụ của họ trong quá trình phát triển kinh tế của các thời đại”.(4) Và ở Việt Nam theo chúng tôi khi nghiên cứu về địa vị của phụ nữ cũng không thể không nghiên cứu vai trò của phụ nữ trong gia đình và xã hội.

1.Vai trò và địa vị của người phụ nữ Việt Nam trong gia đình và xã hội.
       Việt Nam là một quốc gia nông nghiệp nằm trên bán đảo Đông Dương ở Đông Nam châu Á. Các di chỉ khảo cổ học đã cho thấy trong nền văn hoá Hoà Bình cách ngày nay từ hơn một vạn năm nền nông nghiệp sơ khai đã ra đời và liên tục phát triển. Đất đai màu mỡ phù sa của vùng đồng bằng châu thổ cùng với khí hậu nhiệt đới nóng ẩm và mưa nhiêù là môi trường sinh thái thuận lợi cho việc phát triển nông nghiệp trồng lúa nước. Cho đến cuối thế kỉ XIX Việt Nam vẫn là một nước nông nghiệp tiểu nông tự cấp tự túc với nghề trồng lúa nước là một ngành kinh tế chủ đạo. Các truyền thuyết dân gian về “bà mẹ lúa” cùng với tín ngưỡng dân gian thờ nữ thần còn khá phổ biến cho tới tận ngày nay đã phản ánh công lao của phụ nữ trong việc phát minh ra nghề nông cũng như vai trò quan trọng của họ trong sản xuất nông nghiệp. Đặc điểm của nền kinh tế nông nghiệp tiểu nông trong đó các gia đình nhỏ là đơn vị sản xuất chủ yếu đòi hỏi sự hợp tác lao động chặt chẽ giữa phụ nữ và nam giới và cho phép phụ nữ tham gia vào mọi khâu trong quá trình sản xuất từ cày, bừa, gieo mạ, cấy, gặt, làm cỏ, bón phân, tát nước… Hình ảnh: “Trên đồng cạn, dưới đồng sâu, Chồng cày vợ cấy con trâu đi bừa” là hình ảnh tiêu biểu đặc trưng ở các làng quê Việt Nam .
         Một đặc điểm khác trong lịch sử phát triển của dân tộc Việt Nam là do địa bàn cư trú của người Việt nằm ở lưu vực những con sông lớn có độ dốc cao, lũ lụt thường xuyên xảy ra nên từ hàng ngàn năm trước, để bảo vệ cuộc sống và mùa màng, người Việt không thể không đắp đê, phòng lụt. Hơn nữa, bản thân nền kinh tế nông nghiệp trồng lúa nước phụ thuộc rất nhiều vào hệ thống tưới tiêu. Đắp đê, làm thuỷ lợi là công việc thường xuyên đòi hỏi công sức của nhiều người đặc biệt là nam giới.
Ngoài ra, với vị trí là chiếc cầu nối giữa lục địa châu Á rộng lớn với vùng Đông Nam Á hải đảo, Việt Nam thường xuyên bị đe doạ bởi nạn ngoại xâm. Có thể nói hiếm có một quốc gia nào trên thế giới trong lịch sử tồn tại và phát triển của mình lại phải tiến hành chống ngoại xâm nhiều lần và trong nhiều thế kỉ như Việt Nam. Vì vậy, không chỉ trong thời chiến mà ngay cả trong thời bình nam giới cũng bị huy động vào quân đội để sẵn sàng bảo vệ Tổ quốc.
         Như vậy, nếu như hai nhân tố làm thuỷ lợi và chống ngoại xâm là hai nhân tố cơ bản tạo nên sự cố kết cộng đồng và là điều kiện thúc đẩy nhà nước hình thành sớm ở Việt Nam thì đó cũng chính là nguyên nhân làm cho phụ nữ Việt Nam phải gánh vác thêm nhiều trách nhiệm đối với gia đình và làng xóm. Đó là khi nam giới thường xuyên phải vắng nhà vì bị huy động đi phu làm thuỷ lợi và đi lính bảo vệ tổ quốc thì phụ nữ phải đảm đang gánh vác mọi việc từ lao động sản xuất ngoài đồng ruộng cho tới nuôi dạy con cái, chăm sóc cha mẹ già…Ca dao xưa có nhiều câu phản ánh thực tế này :
“ Chàng ơi phải lính thì đi
Cửa nhà sau trước đã thì có em”
“ Anh đi em ở lại nhà
Hai vai gánh vác mẹ già con thơ”.
Hay : “ Anh đi theo chúa Tây Sơn,
   Em về cày cuốc mà thương mẹ già”
        Không chỉ thay chồng nuôi mẹ nuôi con khi chồng đi phu, đi lính người phụ nữ Việt Nam còn nuôi chồng đi học, đi thi khi mà chế độ khoa cử và chính sách khuyến khích Nho giáo của các nhà nước phong kiến Việt Nam đã tạo nên một tầng lớp Nho sĩ suốt đời theo nghiệp khoa cử coi thường lao động chân tay.      Ca dao xưa cũng có nhiều câu phản ánh điều này :
“ Anh thì quần áo rong chơi
Để em đi cấy bồ hôi ướt đầm”
“ Tiền gạo thì của mẹ cha
Cái nghiên cái bút thật là của em”
“ Sang năm lúa tốt nhiều tiền
Em đem đóng thuế đóng sưu cho chồng”…
        Việt Nam là một nước nông nghiệp nhưng thu nhập từ nghề nông lại rất bấp bênh bởi thiên tai thường xuyên xảy ra. Không những thế đất đai ít, dân số ngày càng tăng, thu nhập ít ỏi từ nghề nông không đủ cho người nông dân trang trải gánh nặng tô thuế và nuôi sống gia đình họ. Vì vậy người nông dân buộc phải làm thêm nhiều nghề phụ và phát triển buôn bán nhỏ để đảm bảo cuộc sống. Những công việc này phần lớn cũng do phụ nữ đảm nhiệm. Các thương nhân và giáo sĩ phương Tây đến Việt Nam vào thế kỉ 16, 17, 18 đều có chung nhận xét là phụ nữ Việt Nam rất đảm đang. Họ tham gia vào mọi hoạt động sản xuất cũng như hoạt động buôn bán trong xã hội . Ví dụ như ông Jean Koffler – một giáo sĩ Tiệp Khắc đến Đàng Trong từ năm 1740 đến 1755 đã nhận xét : “ Họ (phụ nữ ) rất khéo léo trong việc dệt vải bông và lụa. Họ cũng nhuộm những thứ này thành nhiều màu khác nhau. Họ cũng rất khéo trong việc làm bánh và mứt kẹo… Phụ nữ trồng thuốc lá, trồng bông, phụ nữ buôn bán ở chợ hay cửa hiệu của người ngoại quốc”(5) . Hay như John Barrow người đã từng sống rất lâu ở Việt Nam cũng viết : “Phụ nữ ở đây rất hoạt động, họ trông coi việc làm nhà, chỉ đạo lò gốm, chèo thuyền mang hàng ra chợ bán, bật bông, kéo sợi, dệt vải. May vá quần áo”(5). Trong ca dao cũng có nhiều câu phản ánh sự đảm đang tần tảo của phụ nữ Việt Nam. Không những thế nhiều phụ nữ còn được tôn làm tổ nghề của nhiều nghề thủ công truyền thống như :bà chúa Chuốt, bà chúa Sành trong nghề làm gốm, bà chúa Dệt… trong nghề dệt lụa , dệt lĩnh…Bằng cách tham gia vào nền sản xuất xã hội phụ nữ Việt Nam trở thành những người có đóng góp lớn cho kinh tế gia đình. Người nước ngoài đến Việt Nam vào những thế kỉ 17-18 đều có nhận xét chung là phụ nữ Việt nam “ thường khéo hơn nam giới trong việc làm tăng thêm tài sản gia đình… phụ nữ không để mất một nguồn lợi kinh tế nào, bất kể nguồn lợi từ đâu đến.”(5) Đầu thế kỉ XX các trí thức Nho học uyên thâm như Phạm Quỳnh ( thượng thư bộ học), Nguyễn Bá Học khi nhận xét về vai trò của phụ nữ Việt Nam cũng phải thừa nhận phụ nữ Việt Nam: “ linh lợi mà can đảm, cần mẫn mà khôn ngoan, xưa nay đã có tiếng giỏi về đường kinh tế. Cuộc thương nghiệp trong nước phần nhiều là ở trong tay đàn bà. Dẫu cả thế giới không đâu có cái cảnh rất đáng kính, đáng phục là cảnh vợ nuôi chồng đi học, học suốt đời vì sự học ở nước ta không có thời hạn. Phụ nữ một mình tần tảo mà cung cấp được cho cả một nhà, trên là cha mẹ, dưới là con…” ( NP 10.1917 ) hoặc “ Phàm việc lao động, việc trị sinh nhờ cả ở bọn hạ tiện với bọn đàn bà. Nhất là người đàn bà phải mang cái gánh cho xã hội rất nặng nề. Việc nông thương, cái gì nặng nhọc đê hèn thì đến người đàn bà” ( NP-3.1927)
          Như vậy, do những điều kiện tự nhiên, đặc điểm về kinh tế và xã hội phụ nữ Việt Nam dù muốn hay không cũng đã là những người có vai trò to lớn trong nền sản xuất xã hội cũng như kinh tế gia đình. Những đóng góp quan trọng của họ đối với gia đình và xã hội đã góp phần tạo nên địa vị của họ trong xã hội. Bằng nhiều cách tiếp cận khác nhau, gần đây khuynh hướng chung của các nhà khoa học đều cho rằng phụ nữ Việt Nam có địa vị cao trong gia đình truyền thống của dân tộc Việt Nam. Địa vị cao của phụ nữ Việt Nam trong lịch sử không những được phản ánh qua tư liệu lịch sử mà còn được phản ánh trong các truyền thuyết , ngôn ngữ và các phong tục tập quán, tín ngưỡng, văn hoá dân gian …vẫn còn được lưu giữ đến ngày nay bất chấp việc Nho giáo được du nhập vào Việt Nam từ sớm và các nhà nước phong kiến Việt Nam đã lấy học thuyết Nho giáo làm nền tảng cho việc trị nước của mình.

2. Ảnh hưởng của Nho giáo đối với địa vị của phụ nữ Việt Nam trong lịch sử.

        Sau thời kì dựng nước đầu tiên từ thế kỉ I TrCN đến thế kỉ X, Việt Nam nằm dưới ách đô hộ của các triều đại phong kiến Trung Quốc. Nho giáo cũng đã được du nhập vào Việt Nam trong thời kì này nhưng chỉ ảnh hưởng tới bộ phận nhỏ quan lại thuộc tầng lớp trên. Hầu hết nhân dân Việt Nam sống trong các làng xã vẫn bảo tồn được các giá trị văn hoá truyền thống của mình trong đó có truyền thống tôn trọng phụ nữ. Việc Hai Bà Trưng đứng lên tập hợp nhân dân khởi nghĩa chống lại nhà Đông Hán năm 40 cũng như sự nổi dậy của Triệu Thị Trinh chống lại nhà Ngô năm 248 được sự hưởng ứng nhiệt liệt của toàn thể nhân dân là những minh chứng hùng hồn cho vai trò và vị thế của phụ nữ trong xã hội.
       Từ thế kỉ X đến thế kỉ XV, mặc dù chế độ phong kiến Việt Nam đang trong quá trình hình thành hướng tới một nhà nước quân chủ Nho giáo thì ý thức hệ Nho giáo với việc đề cao tuyệt đối quyền uy của nhà vua trong xã hội và quyền uy của người chồng trong gia đình cũng chưa ảnh hưởng nhiều. Bằng chứng là việc lên ngôi của Lý Chiêu Hoàng (thế kỉ XIII)dưới triều Lý cũng như việc kết hôn trong “nội tộc” dưới triều Trần ngoài lí do được giải thích là để tránh việc tranh cướp ngôi vua còn phản ánh một thực tế là thời kì đó việc hôn nhân mang tính phụ quyền theo quan niệm Nho giáo chưa hoàn toàn là quan niệm chính thống.Việc kết hôn trong “nội tộc” chỉ chính thức bị cấm đoán vào đời Lê Thánh Tông ( điều 319- luật Hồng Đức) khi mà Nho giáo được đề cao. Không những thế nhiêù nhân vật lịch sử hoặc mang họ mẹ như Mai Thúc Loan, hoặc chỉ được biết đến là con của một bà mẹ cụ thể còn bố thì rất mơ hồ như trường hợp của Lê Hoàn (là con của bà Đặng Thị) hay ngay như Lý Công Uẩn- vị vua sáng lập ra triều Lý( là con của bà Phạm Thị) phải chăng đã phản ánh một thực tế là trong dân gian vai trò của người mẹ cũng như vị thế của phụ nữ được nhớ đến nhiều hơn.*
        Đến thế kỉ XV, nhà nước Lê sơ đề cao Nho giáo, lấy Nho giáo làm nền tảng cho việc trị nước và đẩy mạnh giáo dục Nho học. Nho giáo lấy thuyết “Tam cương” làm trụ cột trong việc trị nước, thuyết “Tam tòng” (Tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử – khi còn ở nhà thì phải theo cha, lấy chồng phải theo chồng , khi chồng chết phải theo con trai) , “tứ đức” để ràng buộc người phụ nữ vào gia đình, vào sự phụ thuộc người đàn ông. Người phụ nữ bị coi là loại “tiểu nhân khó dạy” nên không được đi học, đi thi và vì thế không được tham gia vào bộ máy quyền lực cũng như có tiếng nói trong các cuộc thảo luận thậm chí chỉ trong làng xã. Nền giáo dục Nho học phát triển với ba năm một kì thi hương ở các đạo và ba năm một kì thi hội ở kinh thành nhằm tuyển chọn quan lại cho bộ máy chính quyền đã làm hình thành một tầng lớp Nho sĩ đông đảo có mặt ở khắp nơi thì ảnh hưởng của Nho giáo trở nên sâu rộng hơn. Mặc dù vậy, trong bộ luật Hồng Đức – một bộ luật nhằm bảo vệ quyền lợi của giai cấp phong kiến- bên cạnh những quy định khắt khe của của lễ giáo phong kiến vẫn có nhiều điều khoản thể hiện tập quán tôn trọng phụ nữ của người Việt trong lịch sử.
         Về mặt kinh tế, theo luật định, tuy phụ nữ không được chia ruộng đất công của làng xã nhưng lại có quyền sở hữu tài sản riêng của mình. Nhiều văn tự bán đất, bán nhà còn lại đến ngày nay cho thấy chủ sở hữu là phụ nữ. Theo địa bạ của năm huyện thuộc tỉnh Hà Đông cũ có tới 21% chủ sở hữu ruộng đất tư là phụ nữ còn ở Thái Bình số chủ sở hưũ ruộng đất tư là phụ nữ chiếm 17,5%( 6). Hoặc trong số 1005 bia vùng Kinh bắc có tới 133 bia ( chiếm 13%) ghi chép về đóng góp của phụ nữ bằng tiền, ruộng đất…cho việc tu sửa đền, chùa…(7). Theo luật Hồng Đức (8) Con gái có quyền thừa kế tài sản sở hữu của gia đình bình đẳng như con trai( điều388- tr152). Khi đi lấy chồng phần tài sản này vẫn là của riêng người vợ không bị nhập vào gia sản nhà chồng. Khi chống chêt, nếu không có con phụ nữ được hưởng một nửa tài sản của hai vợ chồng (điều 375). Gia đình không có con trai thì con gái trưởng được hưởng phần ruộng hương hoả ( điều 391-397 ).
         Về mặt hôn nhân, phụ nữ có quyền từ hôn nếu phát hiện ra người con trai bị ác tật, phạm tội hay phá tán gia sản ( điều 322). Phụ nữ cũng có quyền li hôn nếu người chồng trong năm tháng liền không đoái hoài đến vợ ( điều308). Người chồng không được phép bỏ vợ nếu như người vợ có công lao trong việc gây dựng gia sản cho nhà chồng hoặc đã chịu tang cha mẹ chồng cũng như khi người vợ không còn nơi nương tựa.
       Dưới chế độ phong kiến, Nho giáo ngày càng củng cố tính chất phụ quyền của gia đình Việt Nam. Trong gia đình người cha có uy quyền tối cao đối với con cái, người chồng có uy quyền đối với vợ. Tính chất phụ quyền của gia đình Việt Nam ngày càng được tô đậm bởi nhiều thế kỉ giáo dục Nho học. “Tam tòng”, “ tứ đức” trở thành những chuẩn mực về đạo đức mà phụ nữ phải tuân theo. Ảnh hưởng của Nho giáo đối với địa vị của phụ nữ được thể hiện khá tập trung trong Gia Huấn và Nữ Huấn tương truyền là của Nguyễn Trãi viết ở thế kỉ XV cũng như được phản ánh trong phong tục tập quán ở làng xã… Tuy nhiên những đóng góp và vai trò của phụ nữ Việt Nam trong gia đình và xã hội đã làm cho uy quyền của người chồng đối với vợ chỉ còn trên lí thuyết và một phần nào đó trong các gia đình tầng lớp trên trong xã hội còn trên thực tế hầu hết phụ nữ trong các gia đình bình dân đều có một vị trí khá bình đẳng so với nam giới, thậm chí còn được đề cao hơn nam giới. Điều này thể hiện khá rõ trong ca dao tục ngữ, phong tục, tập quán và tín ngưỡng dân gian Việt Nam.
         Để đối lại với quan niệm “nam tôn nữ ty” “ nhất nam viết hữu thập nứ viết vô” ( một con trai cũng là có, mười con gái cũng là không) trong dân gian có câu “ Lệnh ông không bằng cồng bà”; “ Trai mà chi, gái mà chi ,Sinh ra có ngãi có nghì thì thôi”; “Ruộng sâu trâu nái không bằng con gái đầu lòng” ; “Gái ngoan làm quan cho chồng”…Cũng có nhiều câu ca dao tục ngữ nói lên địa vị thấp kém của phụ nữ nhưng hoàn toàn chỉ phản ánh địa vị bị hạ thấp của phụ nữ bởi quan niệm Nho giao chứ không hề có ý nghĩa coi thường phụ nữ.
       Bên cạnh ca dao tục ngữ, trong kho tàng chuyện cười dân gian, các chuyện “ Chàng Ngốc” cũng phản ánh thái độ phản kháng của nhân dân đối với tư tưởng “nam tôn nữ ty’. Trong các câu chuyện này phụ nữ là những người thông minh tài giỏi đã phải dạy chồng từ cách làm, cách ăn, cách mặc cho đến cách nói năng ứng xử ngoài xã hội
        Trong các thế kỉ XVI –XVII, dưới triều Lê trung hưng, chính quyền phong kiến trung ương tập quyền bị sụp đổ, hỗn chiến phong kiến triền miên, Nho giáo không còn giữ vai trò độc tôn nữa, văn hoá dân gian cùng với truyền thống tôn trọng phụ nữ vốn có của người Việt lại có dịp trỗi dậy. Địa vị của phụ nữ được đề cao cùng với sự phát triển của Đạo Mẫu( thờ Thánh Mẫu Liễu Hạnh) vốn có nguồn gốc từ tín ngưỡng thờ nữ thần của người Việt. Hơn thế nữa, hình ảnh người phụ nữ trong mọi sinh hoạt thường ngày còn xuất hiện khá phổ biến trong các bức điêu khắc của đình làng- nơi được coi là tôn nghiêm mà chỉ có nam giới mới được tới trong những dịp tế lễ Thành hoàng làng hoặc hội họp .
         Đến thế kỉ XVIII- XIX đặc biệt dưới triều Nguyễn, Nho giáo được đẩy lên vị trí độc tôn. Địa vị của phụ nữ bị hạ thấp cùng với ảnh hưởng ngày càng sâu rộng của tư tưởng Nho giáo trong xã hội. Bộ luật Gia Long là sự sao chép bộ luật Nhà Thanh ở Trung Quốc. Những điều luật tôn trọng quyền lợi của phụ nữ trong bộ luật Hồng Đức không còn nữa . Phụ nữ không được quyền thừa kế tài sản, không được đi học, những quy định ngặt nghèo của lễ giáo phong kiến đã làm cho phụ nữ trở thành vật phụ thuộc vào đàn ông. Nạn đa thê ngày càng trở nên nặng nề. Nhiều tác phẩm văn học như Truyện Kiều, Cung oán ngâm khúc, Chinh phụ ngâm cùng các truyện Nôm khuyết danh đã phản ánh địa vị thấp kém và nỗi đau khổ của phụ nữ dưới chế độ phong kiến đồng thời phản ánh khát vọng tự do, khát vọng bình đẳng của phụ nữ Việt Nam .

3. Ảnh hưởng của văn hoá Phương Tây đối với việc nhìn nhận lại vai trò và địa vị của phụ nữ Việt Nam thời cận đại.
        Năm 1858, thực dân Pháp nổ súng xâm lược Việt Nam. Từ năm 1897, Pháp bắt đầu khai thác thuộc địa ở Việt Nam. Chương trình khai thác thuộc địa của Pháp đã biến Việt Nam từ một nước phong kiến nông nghiệp tiểu nông trở thành một nước thuộc địa nửa phong kiến. Để phục vụ cho công cuộc cai trị, người Pháp đã dần dần thay thế nền giáo dục Nho học bằng nền giaó dục phương Tây. Lần đầu tiên phụ nữ Việt Nam được đi học với cùng một chương trình giáo dục như nam giới và từ hai năm cuối của bậc tiểu học trở đi, học sinh phải học hoàn toàn bằng tiếng Pháp. Nhưng khác với nam sinh là nữ sinh mỗi tuần được học thêm một số giờ nữ công gia chánh ( theo quy định của Học chính Tổng quy ban hành năm 1917). Kết qủa của chính sách giáo dục này là đến những năm 30 của thế kỉ XX, trong xã hội Việt Nam đã hình thành một tầng lớp trí thức chịu ảnh hưởng sâu sắc của văn hoá phương Tây. Hoài Thanh- Hoài Chân trong Thi nhân Việt Nam đã viết : “ Chúng ta ở nhà Tây, đội mũ Tây, đi giầy Tây, mặc áo Tây. Chúng ta dùng đèn điện, đồng hồ, ô tô, xe lửa, xe đạp…còn gì nữa! Nói làm sao cho xiết những điều thay đổi về vật chất phương Tây đã đưa tới giữa chúng ta. Những đồ dùng kiểu mới ấy chính đã dẫn đường cho tư tưởng mới…Sĩ phu nước ta từ xưa chỉ biết có Khổng Tử bắt đầu dẫn Mạnh Đức Tư Cưu với Lư Thoa. Họ bắt đầu viết quốc ngữ.”(9) Ảnh hưởng của những tư tưởng dân chủ tư sản phương Tây và phong trào đòi nữ quyền và giải phóng phụ nữ trên thế giới đã làm xuất hiện trên báo chí – một thành tựu mới của văn minh phương Tây- một cuộc thảo luận về vấn đề phụ nữ. Cuộc thảo luận này đã thu hút sự tham gia của nhiều học giả, kể cả các trí thức Nho học lẫn trí thức Tây học trong đó có nhiều phụ nữ. Lần đầu tiên trong lịch sử đồng thời với việc đánh giá về vai trò của phụ nữ, vấn đề địa vị của phụ nữ Việt Nam trong lịch sử cũng được đề cập đến trên một diễn đàn công khai. Hầu hết các ý kiến đều đánh giá cao vai trò và những đóng góp của phụ nữ trong lịch sử . Về vấn đề địa vị phụ nữ trong lịch sử có nhiều ý kiến cho rằng “ đàn bà nước ta từ xưa vẫn được một địa vị xứng đáng trong xã hội” và “công đức của phụ nữ không phải đàn ông xưa không biết, không cảm, không phục” ( NP-4.1924) “ không cần giải phóng phụ nữ vì họ đâu có phải là nô lệ”, “ không cần đòi nam nữ bình quyền vì trong nhiều nhà phụ nữ nắm cả quyền hành trong tay” nên phụ nữ không cần đòi nữ quyền làm gì.(PNTV-11.7.1929)… Cũng có ý kiến thừa nhận địa vị bất bình dẳng của phụ nữ Việt Nam nhưng lại cho rằng đó chỉ là bất bình đẳng trong vấn đề giáo dục do “ quá câu nệ về mấy câu sáo ngữ sách Tàu”( NP-10.1917). Tuy nhiên về địa vị chính trị của phụ nữ Việt Nam thì hầu hết các tác giả đều né tránh và không ai chỉ ra được rằng: phụ nữ muốn được giải phóng, muốn đòi nữ quyền hay bình đẳng nam nữ trước hết cần phải có một tiền đề tiên quyết là nước nhà độc lập.
          Những năm đầu thế kỉ XX, diễn đàn của phụ nữ chỉ khiêm tốn là mục Nhời đàn bà trên các tờ Đăng cổ Tùng báo (1907 ), Đông Dương tạp chí( 1913 –1917), Trung Bắc Tân Văn (1915-1941) và chủ yếu do nam giới viết bài. Từ sau chiến tranh thế giới thứ nhất trước ảnh hưởng mạnh mẽ của phong trào nữ quyền phương Tây ở Việt Nam đã xuất hiện cả một dòng báo phụ nữ trên khắp ba kì Bắc- Trung - Nam bắt đầu từ tờ Nữ giới chung (1918). Sau đó là các tờ Phụ nữ Tân văn (1929 –1935 ), Phụ nữ Thời Đàm (1930 – 1934), Phụ nữ tân tiến ( 1932- 1934), Đàn bà mới (1935 ), Nữ Lưu (1936-1938), Đàn bà (1939- 1945) lần lượt ra đời…với tuyên ngôn “ là một cơ quan độc lập chuyên khảo cứu những vấn đề quan hệ với đàn bà, tức là quan hệ tới quốc gia, xã hội…vì tình thế phụ nữ trong nước ta ngày nay quyết không phải như hồi trước đây lấy khuê môn làm cửa ngục đàn bà mà việc gánh vác non sông không phải là việc con gái nữa”.( PNTV-1.5.1929) Cùng với sự phát triển của dòng báo phụ nữ các nhà báo nữ như bà Đạm Phương, bà Sương Nguyệt Anh, cô Nguyễn Thị Kiêm, Nguyễn Thị Lựu, Mai Huỳnh Hoa, Nguyễn Thị Thu, Phan Thị Nga, Vân Đài, Huỳnh Lan, Huỳnh Thị Bảo Hoà, Phạm Vân Anh, Bà Tùng Long… đã khẳng định được vị trí của mình- những người phụ nữ -trong xã hội. Trên các tờ báo, phụ nữ bắt đầu nói lên tiếng nói của mình bảo vệ những quyền lợi chính đáng của bản thân. Họ phê phán tục đa thê, tảo hôn cho rằng lấy “ Lắm vợ” là trái với đạo đức, “ là ăn ở đen bạc, bất trắc, bất nhân”. Ngay cả trường hợp lẫy vợ lẽ vì vợ cả hiếm muộn cũng không nên vì nếu việc hiếm muộn do nam giới thì sao? Phụ nữ có quyền lấy chồng khác không? (ĐDTC- 1914). Họ cũng phê phán việc buộc phụ nữ goá chồng phải ở vậy nuôi con theo quan niệm trinh tiết của Nho giáo “ là bất công, vô đạo, cướp mất quyền lợi của đàn bà mà không bổ ích gì cho phong hoá”( PNTV-13.8.1931). Họ đòi “ban hành luật chế độ một vợ một chồng” vì nó hợp với luân lí và nhân đạo(PNTV-29.8.1929); đòi được “tự do kết hôn”(NP-9.1919). Dưới nhan đề “ Đàn bà với ái tình” Thạch Lan cho rằng “ chữ ái tình mà xuất hiện trong xã hội là một điểm tấn bộ về nữ quyền.” “ Đàn bà mà bàn về ái tình, nói đến ái tình, đòi cho được quyền yêu thương tức là cũng như đứng giữa xã hội loài người mà nói rõ lên rằng :Chúng tôi không phải là đồ vật để cho đàn ông tự ý xếp đặt thế nào cũng đặng. Chúng tôi là người như đàn ông nên phải được quyền lựa chọn bạn trăm năm” ( PNTV- 13.8.1931)…
        Không những thế nhiều phụ nữ trí thức đã đứng ra thành lập các tổ chức của phụ nữ như các “Nữ công học hội” của bà Đạm Phương ở Huế; “ Nữ công học hội” của bà Phạm Tuấn Tài ở Hà Nội … nhằm dạy học, dạy nghề cho phụ nữ , tạo điều kiện và hướng dẫn phụ nữ làm quen với các hoạt động tập thể tiến tới tham gia các hoạt động xã hội đấu tranh cho quyền lợi của phụ nữ. Phong trào “nữ công học hội” nhanh chóng lan rộng ra cả nước.
         Nhìn chung trước khi Đảng cộng sản Việt Nam ra đời, cuộc thảo luận về nữ quyền và giải phóng phụ nữ mới chỉ nằm trong khuôn khổ cuộc đấu tranh chống lễ giáo phong kiến bởi một thực tế Việt Nam vẫn là một nước thuộc địa. Do đó không chỉ phụ nữ mà toàn thể nhân dân Việt Nam đều bị tước đọat mọi quyền lợi về kinh tế, chính trị và văn hoá.
        Năm 1930, Đảng cộng sản Việt Nam ra đời. Ngay từ khi mới thành lập, Đảng cộng sản đã đánh giá cao vai trò và đóng góp của phụ nữ Việt Nam trong sự nghiệp dựng nước và cứu nước của dân tộc. Trong Luận cương chính trị năm 1930 của Đảng, “nam nữ bình quyền” là một trong mười ba chủ trương lớn của đảng. Và ngay tại Hội nghị trung ương lần thứ nhất của Đảng tháng 10.1930, Đảng đã ra nghị quyết về vận động phụ nữ coi: “ Lực lượng phụ nữ là một lực lượng trọng yếu. Nếu quảng đại quần chúng phụ nữ không tham gia cuộc đấu tranh cách mạng thì cách mạng không thể thắng lợi được” ngược lại “ nếu phụ nữ đứng ngoài cuộc đấu tranh cách mạng của công nông thì cũng không bao giờ đạt mục đích giải phóng được” vì phụ nữ chỉ có cơ hội được giải phóng thực sự và bình đẳng thực sự khi Việt Nam không còn chế độ phong kiến và hoàn toàn độc lập.
         Từ sau năm 1930, do ảnh hưởng của cuộc vận động phụ nữ của Đảng cộng sản trên báo chí xuất hiện nhiều bài báo phản ánh điều kiện sống và làm việc của phụ nữ lao động Việt Nam ở nông thôn cũng như trong các hầm mỏ, nhà máy, đồn điền. Các bài báo yêu cầu “ nam nữ phổ thông đầu phiếu và ứng cử” vì “ đàn bà đáng được có đại biểu cũng như tự mình bầu cử để bênh vực quyền lợi cho mình” (PNTV- 11.4.1935); hưởng lương như nam giới, được nghỉ trong thời gian thai sản…( Nữ lưu-ngày 21.8 và 4.9.1936); thảo luận về vấn đề nữ quyền và giải phóng phụ nữ… Trong các cuộc đấu tranh đòi dân chủ thời kì 1936-1939, phụ nữ đã tích cực tham gia vào các cuộc đấu tranh đòi quyền tự do dân chủ, quyền bầu cử, quyền tham chính … Nhiều phụ nữ đã có mặt trong các uỷ ban lãnh đạo của phong trào Đông Dương Đại hội cùng với nam giới như chị Nguyễn Thị Lựu, Nguyễn Thị Thu, Mai Huỳnh Hoa, Nguyễn Thị Kiêm, Đoàn Tâm Đan, Trần Thị Trác, Đinh Thị Phượng (10)Bà Nguyễn Thị Huỳnh, bà Lê Thị Bảy…(11). Nhiều phụ nữ giữ vị trí cao trong các cấp lãnh đạo của Đảng cộng sản Đông Dương như chị Nguyễn Thị Minh Khai, Hoàng Ngân…Trong thời kì vận động cách mạng 1939-1945, một trong mười chương trình lớn của Mặt trận Việt Minh là “ nam nữ bình quyền” đã thu hút được sự ủng hộ và tham gia đông đảo của phụ nữ. Nhiều tổ chức “Phụ nữ cứu quốc” được thành lập đã góp phần cùng nhân dân Việt Nam chuẩn bị cho Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cách mạng tháng Tám.

Kết luận
         Năm 1945, cách mạng tháng Tám thắng lợi, nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hoà ra đời. Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam ban hành năm 1946 đã chính thức xác nhận quyền bình đẳng với nam giới của phụ nữ trên tất cả các mặt kinh tế, chính trị và văn hoá. Đây không chỉ là thắng lợi của nhân dân Việt Nam nói chung mà còn là thắng lợi của phụ nữ Việt Nam những người luôn luôn khẳng định năng lực lao động và sáng tạo của mình trong sản xuất và chiến đấu cũng như khẳng định khát khao tự do, bình đẳng của phụ nữ Việt Nam trong lịch sử. Thắng lợi của cách mạng tháng Tám còn khẳng định đường lối vận động phụ nữ và các chính sách phụ nữ của Đảng cộng sản Việt Nam đã đáp ứng được nguyện vọng của phụ nữ Việt Nam cũng như phù hợp với truyền thống tôn trọng phụ nữ của dân tộc.
       Sau cách mạng tháng Tám năm 1945, để bảo vệ thành quả cách mạng vừa giành được phụ nữ Việt Nam đã cùng toàn thể nhân dân Việt Nam bước vào cuộc kháng chiến trường kì chống Pháp (1946 –1954) và chống Mỹ (1954-1975) xâm lược kéo dài 30 năm ( trên tổng số 58 năm tính đến 2003) đó là chưa kể tới hai cuộc chiến tranh phía biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc (1979). Trong cuộc trường kì kháng chiến này phụ nữ Việt Nam đã không những vừa đảm đang thay chồng sản xuất, nuôi dạy con cái, chăm sóc cha mẹ già mà còn trực tiếp tham gia chiến đấu bảo vệ quê hương. Các danh hiệu phụ nữ “Ba đảm đang”, “Anh hùng, bất khuất trung hậu đảm đang” “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” đã chứng tỏ công lao và đóng góp to lớn của phụ nữ Việt Nam không chỉ được Đảng và nhà nước Việt Nam công nhận mà còn được toàn xã hội tôn vinh.

Vân Chi
------------

* Bộ sử thành văn sớm nhất của Việt Nam được biết đến hiện nay là ĐạiViệt sử lược của Lê Văn Hưu viết vào thế kỉ 13- Những thông tin về thời kì trước đó hoặc dựa theo dã sử hoặc theo sử Trung Quốc


Tài liệu tham khảo

1. Trần Từ. Cơ cấu tổ chức của làng Việt cổ truyên ở Bắc Bộ. NXB KHXH. H.1984
2. Trần Quốc Vượng. Nguyên lí mẹ của nền văn hoá Việt Nam.TC- Văn hoá Nghệ thuật số 12.1996.
3. Insun Yu.- Mô hình xã hội lưỡng hệ và địa vị phụ nữ trong truyền thống Việt Nam. Việt Nam học- Kỉ yếu hội thảo quốc tế. Tập IV. NXB Thế giới. H.2001
-Luật và xã hội Việt Nam thế kỉ XVII- XVIII. NXB KHXH. H.1994
4. A.M. Kô lôngtai. Vấn đề giải phóng phụ nữ. NXB Phụ nữ. H 1961.tr7

5. Trần Quốc Vượng. Truyền thống phụ nữ Việt Nam. NXB Phụ nữ. H.1972 tr17-18
6. Phan Huy Lê. Tìm về cội nguồn. T2. NXB Thế giới. H.1999 tr 871-872.
Địa bạ Thái Bình. T2. NXB Thế giới H.1997 tr.29
7. Phạm Thị ThuỳVinh. Văn bia thời Lê xứ Kinh Bắc và sự phản ánh sinh hoạt làng xã. NXB Văn hoá thông tin.H.2003
8. Quốc triều hình luật- Luật hình triều Lê-Luật Hồng Đức. NXB TP Hồ Chí Minh.2003
9. Hoài Thanh- Hoài Chân. Thi nhân Việt Nam 1932- 1941. NXB Văn học. 1997.tr16
10. Nguyễn Thành: Cuộc vận động Đông Dương Đại hội năm 1936 NXB tp Hồ Chí Minh 1986
11. NguyễnVăn Trấn. Chúng tôi làm báo (Hồi kí) NXB Văn nghệ . TP Hồ Chí Minh. 2000.
12. Tục ngữ câu đố ca dao dân ca Trường đại học tổng hợp H.1977
13. Báo Nam Phong ( NP)
14. Báo Phụ nữ Tân văn (PNTV)
15. Báo Nữ lưu
16. Báo Đông Dương Tạp chí (Đ DTC)
Và các báo xuất bản trước 1945.

**Đây là bài tham luận ở buổi tọa đàm khoa học" So sánh địa vị phụ nữ Việt Nam - Hàn Quốc trong gia đình và xã hội. Buổi tọa đàm này đã được giới thiệu ( Bằng tiếng Hàn)trên trang web
http://www.eawp.re.kr/pds/pds_read.php?code=news&page=1&number=19
Và đăng trên tạp chí Khoa học về phụ nữ số 3 /2004 (64) tr47-55)

Thứ Ba, 20 tháng 9, 2011

BENEDICT ANDERSON:DÂN TỘC - NHỮNG CỘNG ĐỒNG TƯỞNG TƯỢNG


Euan Hague, PGS Địa lý, ĐH DePaul Chicago, USA,
 (chương 1 (trang 16-21) tập sách do Phil Hubbard, Rob Kitchin và Gil Valentine biên tập 2005, [Các nhà tư tưởng hàng đầu về không gian và nơi chốn] Key thinkers on space and place, Sage xuất bản- Cám ơn Lê Thanh hải đẫ giới thiệu tài liệu và góp ý cho bản dịch)
Đặng Thị Vân Chi dịch 
( Do trình độ tiếng Anh có hạn, rất mong nhận được sự góp ý để bản dịch tốt hơn)
Bối cảnh Lý thuyết và tiểu sử chi tiết
        Benedict Anderson là tác giả của một trong những khái niệm quan trọng nhất về địa chính trị, về các dân tộc  “những cộng đồng tưởng tượng". Ông cũng là hội viên của hội Guggenheim và là thành viên của Học viện Mỹ thuật và Khoa học. M.Anderson sinh ra tại Côn Minh, Trung Quốc vào năm 1936. Ông là anh trai của nhà lý luận chính trị Perry Anderson và một công dân Ai Lencha ông là một quan chức Hải quan của Hoàng gia, ông đã lớn lên ở California và Ireland trước khi vào Đại học Cambridge. Ông đã học tập một thời gian ngắn tại đây dưới sự hướng dẫn của Eric Hobsbawm, vào năm 1957 Anderson đã tốt nghiệp về nghệ thuật cổ điển
   Ông đến Đại học Cornell vào năm1958 để theo học chương trình tiến sĩ, nghiên cứu về Indonexia. Tại Cornellông chịu ảnh hưởng của George Kahin, John Echols và Claire Holt (Anderson,1999). Năm 1965, nhà lãnh đạo quân sự Suharto của Indonesia đã phá vỡ một âm mưu đảo chính do các binh sĩ cộng sản chủ mưu, thanh trừng quân đội, và giết chết hàng trăm ngàn thường dân. Cùng làm việc với hai sinh viên tốt nghiệp khác, Anderson phân tích lời giải thích của Suharto về các sự kiện, đặt câu hỏi về tính trung thực của chúng. 
     Đánh giá của ông và các cộng sự đã lọt vào tay quân đội Indonesia, những người đã mời Anderson đến nước này vào năm 1967 và năm 1968 để thuyết phục ông về những sai sót trong chuyên khảo của ông mà sau đó nó được biết đến với tên gọi "tài liệu Cornell". Thất bại trong việc thuyết phục ôngchế độ Indonesia kết tội AndersonTiếp theo sự công bố chính thức về các cáo buộc ban đầu (Anderson et al 1971), các nhà chức trách Indonesia đã từ chối đơn xin thị thực của Anderson, cấm ông đến Indonesia trong suốt thời gian tồn tại của chế độ Suharto. Anderson chỉ được phép quay lại Indonesia vào năm 1999, sau cái chết của nhà độc tài.
    Anderson đã hoàn thành luận án tiến sĩ về đề tài: "Cách mạng Pemuda: Chính trị Indonesia, 1945-1946” vào năm 1967 và giảng dạy tại khoa Chính phủ tại Đại học Cornell cho đến khi nghỉ hưu vào năm 2002, ông cũng là biên tập viên của tạp chí liên ngành Indonesia từ năm 1966 đến 1984. Anderson đã nghiên cứu nhiều chủ đề đa dạng như Chính phủ Indonesia, chính trị và quan hệ quốc tế (1964),quyền con người (ví dụ như 1976), và vai trò của nó ở Đông Timor (1980).
     Là một chuyên gia về Đông Nam Á, các cuộc xung đột quân sự giữa Campuchia, Việt Nam và Trung Quốc vào cuối những năm 1970 đã kích thích ông phân tích tầm quan trọng và sức hấp dẫn chính trị đối với nền chính trị của chủ nghĩa dân tộc. Kết quả là cuốn“cộng đồng tưởng tượng” - Những ý nghĩ về nguồn gốc và sự lan truyền của chủ nghĩa dân tộc" được xuất bản 2 lần (1983,1991), trong đó, Anderson đã đề xuất lý thuyết về "các cộng đồng tưởng tượng". Chủ yếu tiếp cận về mặt lý thuyết, Anderson cho rằng, hầu hết đã bỏ qua:
       "Chủ nghĩa dân tộc, chỉ đơn thuần là chấp nhận nó như: Quốc gia, quốc tịch, chủ nghĩa dân  tộc -  tất cả đã chứng tỏ để xác định là vô cùng khó khăn, chứ chưa nói đến việc phân tích. Ngược lại ảnh hưởng to lớn  chủ nghĩa dân tộc đã tác động đến thế giới hiện đại, giả thuyết xác đáng về nó rõ ràng là còn nhỏ nhoi."
     Đặc biệt sai lầm trong lĩnh vực này là chủ nghĩa Mác, mối quan hệ giữa chủ nghĩa Mac và chủ nghĩa dân tộc là chủ đề của cuộc tranh luận đánh giá lại Cánh tả mới trong năm 1970 (ví dụ: Lo¨wy, 1976; Debray,1977).Trong môi trường này, Anderson (1991:3, nhấn mạnh) lập luận học thuyết Mác-xít đã không bỏ qua chủ nghĩa dân tộc, đúng hơn,"chủ nghĩa dân tộc đã chứng tỏ một sự bất thường khó chịu cho lý thuyết Mác-xít và, chính vì lý do đó, phần lớn bị bỏ qua, hơn là đối mặt với nó". Cộng đồng tưởng tượng là một nỗ lực để tiến hành hoà giải các lý thuyết của chủ nghĩa Mác và chủ nghĩa dân tộc và đối phó với những gì Anderson vạch ra ​​như một bối cảnh chênh lệch cho việc đánh giá về dân tộc, cụ thể là việc gần như chỉ tập trung vào châu Âu đã gây phương hại đến việc xem xét thế hệ người lai tiên phong ở Nam Mỹ về chính trị dân tộc hiện đại. Sự bóp méo này, Anderson tiếp tục xác nhận cả ở bên trong và bên ngoài học viện. Từ những nghiên cứu trường hợp về chủ nghĩa thực dân ở Châu Mỹ La Tinh và Indonesia, Anderson (1991: 6) đề xuất định nghĩa sau đây về dân tộc: nó là một cộng đồng chính trị tưởng tượng - và vốn dĩ tưởng tượng cả về giới hạn lẫn chủ quyền '.

SỰ  ĐÓNG GÓP VỀ TÍNH KHÔNG GIAN
    Khái niệm của Anderson về dân tộc là “cộng đồng 'tưởng tượng” đã trở thành tiêu chuẩn trong những  cuốn sách đã xem xét lại tư tưởng địa lý (ví dụ như Massey  Jess, năm 1995; Crang năm 1998Cloke et al, 2001). Luận điểm về một dân tộc là "tưởng tượng không có nghĩa là nói dân tộc là sai, không có thực hoặc được phân biệt với 'cộng đồng thật' (khó mà tưởng tượng). Đúng hơn Anderson đã đề nghị rằng một quốc gia được xây dựng từ các quá trình phổ biến thông qua đó người dân cùng chia sẻ một quốc tịch chung
        "Điều này là tượng trưng vì các thành viên của quốc gia thậm chí cả những thành viên nhỏ nhất cũng sẽ không bao giờ biết hầu hết các thành viên đồng bào của họ, đã gặp gỡ họ, hoặc thậm chí chỉ là nghe nói về họ, nhưng trong tâm trí của mỗi cuộc đời đều có hình ảnh về sự hiệp thông giữa họ." (Anderson, 1991: 6; nhấn mạnh)
      Sự hiểu biết này cả về khuôn mẫu  việc định dạng khuôn mẫu bởi các tổ chức chính trị và văn hóa như mọi người tưởng tượng "họ chia sẻ niềm tin chung, thái độ và nhận thức về một cộng đồng quốc gia dân tộc chung, có ý kiến ​​tương tự những tình cảm riêng của họ. Thứ hai:
     "Dân tộc được tưởng tượng như bị giới hạn bởi  thậm chí cả phần lớn nhất trong số họcó lẽ bao gồm một tỷ người dân đang sinh sốnghữu hạn, đàn hồivượt khỏi ranh giới, nằm ngoài quốc gia khác. (Anderson, 1991: 7nhấn mạnh )
     Để có một dân tộc có nghĩa là ở đó phải có một dân tộc khác, dựa vào đó việc tự định nghĩa có thể đã diễn ra. Anderson, do đó, lập luận cho việc xây dựng xã hội của các quốc gia như những thực thể chính trị có một không gian giới hạn và số nhân khẩu nhất định, chứ không phải là thực thể hữu cơ, vĩnh cửu. Hơn nữa,
     " tưởng tượng" về việc là có chủ quyền bởi vì khái niệm này được sinh ra trong một thời đại mà trong đó tư tưởng Khai sáng và Cách mạng đã phá hủy tính hợp pháp của các lĩnh vựcnhư Thiên Chúa thụ phong linh mục, thứ bậc các triều đại... Các dân tộc mơ ước về tự do... tiêu chuẩn đánh giá và biểu tượng về sự tự do này là một nhà nước có chủ quyền." (Anderson, 1991: 7, nhấn mạnh )
      Anderson lập luận rằng khái niệm về dân tộc phát triển vào cuối thế kỷ mười tám như một cấu trúc xã hội để thay thế các trật tự quân chủ hay tôn giáo trước đây. Theo cách này, dân tộc là một cách hiểu mới về khái niệm quyền cai trị và chủ quyền quốc gia. Quyền cai trị này sẽ được giới hạn bởi số lượng dân số xác định và lãnh thổ nhà nước, tên của quốc gia, khả năng thực thi quyền lực.
     "Cuối cùng, nó được tưởng tượng như một cộng đồng, bởi vì, không phân biệt một thực tế bất bình đẳng và bị bóc lột có thể chiếm ưu thế trong mỗi quốc gia, dân tộc luôn luôn được quan niệm như một tình đồng chí bình đẳng và sâu sắc. Cuối cùng, đó là tình huynh đệ này làm cho nó có thể, trong hơn hai thế kỷ qua, hàng triệu người dân, không quá nhiều như vậy để giết, vì ý chí sẵn sàng chết bởi tưởng tượng được giới hạn như vậy". (Anderson,1991: 7, nhấn mạnh )
    Các quốc gia nắm giữ 
nhiều quyền lực hơn sự hình dung, Anderson tuyên bố rằng các cuộc kêu gọi tinh thần yêu nước với mục tiêu được hiểu là nghĩa vụ của tất cả các cư dân quốc gia. Hơn nữa, trong chiến tranh mọi công dân quốc gia đều bình đẳng và ranh giới giữa các tầng lớp trở nên mờ nhạt trong cuộc đấu tranh chung cho sự vĩ đại và sự sống còn của dân tộc.
     Khía cạnh quan trọng thứ hai của Anderson về sự phát triển của chủ nghĩa dân tộc là những điều mà ông xác định như là vai trò của "thế hệ người lai tiên phong. Trong cả hai miền Bắc và Nam Mỹ, những người đã chiến đấu cho độc lập dân tộc trong các thế kỷ mười tám và mười chín có cùng tổ tiên, ngôn ngữ và truyền thống với những người có quyền lực chiếm thuộc địa mà họ phản đối. Anderson (1991: 50) lập luận những cộng đồng thuộc địa”đã phát triển chính trị dân tộc trước châu Âu, vì là thuộc địa, họ chủ yếu tự quản trị các đơn vị lãnh thổ. Vì vậy cư dân hình thành thuộc về một cộng đồng chung và một cộng đồng có chủ quyền tiềm ẩn một niềm tin được tăng cường từ tin tức từ các tỉnh, các bài báo đề cao cuộc tranh luận về mối quan hệ chính trị và hành chính liên lục địa. Anderson đầu tư nhiều vào luận án của mình về “chủ nghĩa tư bản in ấn” Phác thảo về Erich Auerbach và Walter Benjamin ", Anderson cho rằng các tiêu chuẩn về lịch biểu dân tộc, đồng hồ và ngôn ngữ được thể hiện trong cuốn sách và trong việc xuất bản các tờ báo hàng ngày. Điều này đã tạo ra cùng một một cảm giác trải nghiệm dân tộc cho mọi người làm họ trở nên nhận thức được về các sự kiện xảy ra trong quốc gia riêng của họ và các quốc gia khác ở bên ngoài.
     Báo chí 'có thể làm phát triển nhanh chóng số lượng người suy nghĩ về bản thân họ và mối quan hệ giữa bản thân họ với những người khác trong cách thức mới một cách sâu sắc (Anderson, 1991: 36). Sự xuất hiện riêng lẻ đã được gắn kết cùng với nhau như kinh nghiệm dân tộc như mọi người cảm thấy rằng tất cả mọi người đang đọc cùng một điều  đã truy cập các thông tin một cách bình đẳng 
           "Sự hội tụ của chủ nghĩa tư bản và công nghệ in ấn, sự đa dạng tai hại của ngôn ngữ loài người đã tạo ra các khả năng về một hình thức mới của cộng đồng tưởng tượng, trong hình thái cơ bản của nó đã thiết lập thời kỳ của các dân tộc hiện đại. Tiềm năng kéo dài của các cộng đồng này vốn dĩ bị hạn chế, và tại cùng một thời gian, dù không có sự phiền toái nhưng hầu hết các mối quan hệ ngẫu nhiên đang tồn tại một ranh giới chính trị (trong đó là toàn bộ các nhãn hiệu high-water về sự mở rộng triều đại). (Anderson, 1991:46)
     Tác động trên toàn thế giới của "những cộng đồng tưởng tượng" qua các ngành học hàn lâm đã dẫn đến việc sửa chữa và tái bản vào năm 1991. Trong lần tái bản nàyAnderson lưu ý rằng ông đã '[trở nên] không dễ nắm bắt nhận thức về những gì tôi đã tin là một đóng góp mới có ý nghĩa để suy nghĩ về chủ nghĩa dân tộc- đang thay đổi sự hiểu biết về thời gian- thiếu một cách hiển nhiên sự phối hợp cần thiết: sự hiểu biết đang thay đổi về không gian” (1991: xiii-xiv). Bằng cách sử dụng ví dụ Đông Nam Á, Anderson sửa chữa thiếu sót này bằng cách bao gồm cả chương giải quyết vấn đề vai trò của thống kê dân số quốc gia, bảo tàng, công trình kỷ niệm quốc gia, tiểu sử và bản đồ. Rút ra từ một luận án tiến sĩ năm 1988được thực hiện bởi Thongchai Winichakul về Siam thế kỷ thứ mười chín/Thái Lan, Anderson (1991: xiv) lập luận rằng bản đồ đóng góp vào” biểu trưng hóa không gian chính trị và vô số bản sao của chúng làm quen với những con người cùng những giới hạn về chủ quyền quốc gia và cộng đồng.
     Sau khi kiểm tra truyền thông đại chúng với luận án của mình về chủ nghĩa tư bản in ấn, Anderson chuyển sang các di sản của sự di cư:
          Hai yếu tố quan trọng nhất tạo ra chủ nghĩa dân tộc và sắc tộc, cả hai liên quan chặt chẽ đến sự gia tăng của chủ nghĩa tư bản. Nó có thể được mô tả sơ lược như truyền thông đại chúng và di cư hàng loạt. (Anderson,1992: 7) 
      Lập luận rằng phong trào dân tộc đã/ đang thường được khởi xướng bởi những người xa xứ, lưu ý một lần nữa "Thế hệ người lai tiên phong" của châu Mỹ  Latin  và các khoản đóng góp tài chính của đảng Cộng hòa Ailen cho quân đội và dân tộc, phe phái dân tộc trong các cuộc chiến tranh Balkan đầu những năm 1990 là từ nước ngoài, Anderson đánh giá:
          Cũng có thể thấy rằng chúng ta đang phải đối mặt tại đây một loại hình mới của chủ nghĩa dân tộc:một loại "dân tộc từ xa"  lẽ nên gọi là "anh ta" [fn' anh ta 'bởi vì loại chính trị này dường như thu hút nam giới nhiều hơn nữ giới.] vì về mặt kỹ thuật, trong khi một công dân của quốc gia mà ở quốc gia đó anh ta sống một cách thoải mái, nhưng cái  anh ta có thể cảm thấy ít nhiều dính líu, thấy một chút hấp dẫn là chơi trò bản sắc chính trị bằng cách tham gia (thông qua công việc tuyên truyền, tiền bạc, vũ khí, bất kỳ cách nào, nhưng có quyền biểu quyết) vào các cuộc xung đột Heimat tưởng tượng của mình – thì bây giờ chỉ là thời gian dành cho việc chuyển bản fax đi" (Anderson, 1992: 13)
      Được dịch sang hàng chục ngôn ngữ khác nhau, công trình của ông được các học giả trích dẫn đều đặn nhất về chủ đề này, Anderson đã xuất hiện trên truyền hình, giải quyết vấn đề của các ủy ban của Liên Hợp Quốc và Quốc hội Hoa Kỳ về Indonesia và Đông Timor, và nhấn mạnh vấn đề về vi phạm nhân quyền ở Đông Nam Á (ví dụ như Anderson, 1976, 1980). Ông là một trong những học giả có ảnh hưởng nhất trong thế hệ của ông. Mặc dù không phải là một nhà địa lý được đào tạo bài bản hoặc hành nghề trong lĩnh vực này, nhưng các vấn đề lãnh thổ, không gian và địa điểm, và những lời chỉ trích của ông về chính trị dân tộc, đã dẫn đến việc công trình của Anderson được sử dụng rộng rãi trong các nghiên cứu về địa lý.

Tiến bộ chủ yếu và những tranh cãi

     "Các cộng đồng tưởng tượng" ít được 
các nhà địa lý chú ý khi mới xuất bản. Không được giới thiệu trên hầu hết các tạp chí địa lý lớn như Biên niên sử của Hiệp hội địa lý Mỹ, khái niệm của Anderson đi vào cuộc tranh luận địa lý thông qua tác động của chúng trên các nghiên cứu liên ngành về chủ nghĩa dân tộc. Tuy nhiên, việc tham gia vào các cuộc tranh luận đó được đặc trưng bởi các bình luận mà các "cộng đồng tưởng tượng" của Anderson được trích dẫn theo đó. Thật vậy, Spencer  Wollma (2002: 37) tuyên bố rằng việc trích dẫn đều đặn các bài viết về chủ nghĩa dân tộc về các cộng đồng tưởng tượng  Anderson khái niệm hóa "đã trở thành một trong các ấn bản phổ biến nhất 'trong số các tài liệu, kết quả  cho thấy rằng, trong một số trường hợp, việc trích dẫn đó đã thay thế cho việc phân tích". Các nhà địa lý không nằm ngoài số này (xem, trong đóJackson  Penrose, 1993; Smith  Jackson, 1999).
     Trong một thời gian dài đánh giá các khái niệm của Anderson về mặt địa lý dường như ngày càng ít điVí dụ, Blaut (1987) không đánh giá công trình của Anderson trong bài giới thiệu của ống về lý thuyết Mác-xít và chủ nghĩa dân tộc (1991: 226)" đất nước tưởng tượng" của Short chỉ đơn giản đề nghị đọc “Các cộng đồng tưởng tượng của Anderson để tham khảoCó thể thấy rằng việc sử dụng bền vững nhất đến từ Radcliffe  Westwood (19962), những người khi xem xét "một cộng đồng tưởng tượng có tính dân tộc đã được tạo ra, duy trì  đứt gãy như thế nào" ở EcuadorHọ cho rằng hình dung về mặt địa lý của Anderson"
... cho phép ông liên kết các chủ đề, không gian, di động  các quốc gianhưng lại bình luận rằng ông đã thất bại hoàn toàn trong việc công nhận hoặc phát triển ý nghĩa này trong công việc của mình (Radcliffe  Westwood, 1996:118)
     Quan trọng là các học giả hậu thuộc địa đã nghi ngờ luận cứ của Anderso, Edward Said (1993) lại cho rằng Anderson đã quá thẳng thắn trong lời giải thích của ông rằng các cơ cấu chính trị và các tổ chức thay đổi từ các triều đại, thông qua các ảnh hưởng được tiêu chuẩn hóa của chủ nghĩa tư bản in ấn tới các quốc gia có chủ quyền (xem McClintock, năm1995). Người phê bình mạnh mẽ nhất  Partha Chatterjee (1993) lại cho rằng sự tưởng tượng về các cộng đồng chính trị đã bị giới hạn bởi chủ nghĩa thực dân châu Âu. Đã có các hình thức thể chế dân tộc đặc biệt áp đặt lên họ như là các thuộc địa. Saukhi giành được độc lập các khu vực này đã không có lựa chọn nào khác ngoài theo con đường châu Âu, với các cường quốc phương Tây đã sẵn sàng ngăn chặn bất cứ những lệch lạc nào có vẻ như nguy hiểm. Ngay cả trí tưởng tượng của chúng tôi Chatterjee", khẳng định (1993:5), "vẫn phải nhớ mãi về sự xâm chiếm thuộc địa. "Chủ nghĩa Dân tộc và các quốc gia", Chatterjee lập luận, vẫn vận hành chỉ trong giới hạn công thức được hình thành ở châu Âu, và do đó chúng chỉ có thể được khái niệm hóa trong sự gò bó của châu Âu. Chủ nghĩa dân tộc chống thực dân như vậy là mẫu điển hình của việc chống chủ nghĩa thực dân bằng cách sử dụng các tham số dân tộc như những kẻ thực dân. Sự phân biệt có thể khôngđược thực hiện thông qua việc khái niệm hóa chính trị hay kinh tế vì sự thống trị châu Âu trong những địa điểm này và do đó các giới hạn về chủ quyền và lãnh thổ của thuộc địa đã hoàn toàn được tưởng tượng ra là dành cho các cuộc xâm chiếm của những kẻ thực dân. Do vậy, chủ nghĩa dân tộc chống thực dân chỉ có thể tưởng tượng thông qua thực tiễn và quá trình văn hóa. Ở đây một lần nữa Chatterjee thách thức Anderson, khẳng định rằng mặc dù các quá trình của chủ nghĩa tư bản in ấn rất quan trọng, công thức của Anderson là tiêu chuẩn hóa ngôn ngữ, thời gian và phạm vi lãnh thổ là quá đơn giản để áp đặt quan hệ quyền lực đa dạng, đa ngôn ngữ và không đối xứng của tình hình thuộc địa. 
     Một bài phê bình lớn thứ hai về cộng đồng tưởng tượng xuất phát từ một quan điểm nữ quyền. Với việc tập trung vào "kinh nghiệm của tình huynh đệ “các thành viên của một quốc gia (Anderson, 1991: 7), các nhân vật chính trong quan niệm của Anderson về chủ nghĩa dân tộc thường được giả định là nam giới. Mayer (2000: 6) lập luận rằng Anderson đã hình dung ra một dự án dị nam tính... tưởng tượng như là một tình anh em "bỏ qua giới tính, tầng lớp và cấu trúcchủng tộc bên trong và giữa các cộng đồng quốc gia; và McDowell (1999:195)cho thấy rằng mặc dù có vẻ như trung lập,"tình đồng chí rất bình đẳng...mang đến cho nó ý nghĩa của đoàn kết nam tính". Sau đó, Mc Clintock (1995: 353) than thở rằng "khảo sát về giới đối với sự tưởng tượng về dân tộc rõ ràng là còn ít ỏi".
     Thách thức thứ ba đến từ Don Mitchell, người lập luận rằng cũng như các cộng đồng tưởng tượng, phải chú ý đến:
       Thực hành và tập dượt về quyền lực thông qua các khế ước được ban hành và mô phỏng. Những câu hỏi đặt ra là Ai định nghĩa dân tộc? Dân tộc được định nghĩa như thế nào? Định nghĩa đó được mô phỏng và tranh cãi như thế nào?, và điều quan trọng là các quốc gia đã phát triển và thay đổi theo thời gian như thế nào?.. Vấn đề không phải là sự tưởng tượng chung hiện hữu, mà sự tưởng tượng chung là giả mạo. (Mitchell, 2000: 269, nhấn mạnh)

     Đề xuất của Anderson, do đó, bị hạn chế bởi sự chật hẹp của nó. Vấn đề là một dân tộc là một cộng đồng tưởng tượng là gì? Vấn đề phải được cho thấy công việc cần thiết để tạo ra và duy trì sự tưởng tượng, điều này ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân như thế nào? và chính quyền buộc các cộng đồng quốc gia được tưởng tượng định dạng các hành vi vượt qua thời gian và không gian như thế nào?.
      Có nhiều điều đáng khen ngợi trong khái niệm về các cộng đồng tưởng tượng, nhưng cần thiết phải khảo sát các mối quan hệ quyền lực vốn có trong các quá trình mô tả của Anderson và về các tác động vật chất, cho dù được dựa trên giới tính, chủng tộc, dân tộc, giai cấp, tình dục hay khía cạnh khác của bản sắc cá nhân. Công trình gần đây đã bắt đầu giải quyết những thách thức như vậy. Angela Martin (1997: 9) cho rằng mặc dù "trí thức" có đượsức mạnh để "tưởng tượng" cộng đồng dân tộc hoặc quốc gia, kích thước vật chất hay kinh tế chính trị, chủ nghĩa dân tộc và dân tộc đã bị bỏ qua. Đánh giá của cô ấy về chủ nghĩa dân tộc Ailen cuối thế kỷ mười chín lập luận về một cách tiếp cận cụ thể cho dân tộc” để thẩmđịnh vai trò của giới được xây dựng cả trong trí tưởng tượng của dân tộc Ailen như thế nào vàcả trong việc họ đã bị hạn chế hành vi trong cuộc sống hàng ngày như thế nào? (Martin,1997: 91). Đổi lại, (1999: 538nghiên cứu của Steven Hoelschler về việc xây dựng một cộng đồng di sản của Thụy Sĩ ở New Glarus, Wisconsin, viện dẫn Anderson để giải thích rằng "hình thức tưởng tượng" đặc biệt  được sử dụng bởi giới tinh hoa để tạo ra vị trí và bản sắc cộng đồng, và kiểm tra sự tưởng tượng của giới tinh hoa này được tranh cãi bởi các các nhóm không thuộc giới tinh hoa như thế nào. Vì vậy, các nhà địa lý đang chuyển rangoài luận án của Anderson để hiểu cả về cộng đồng hữu hình và cộng đồng tưởng tượng của các dân tộc và chủ nghĩa dân tộc.
ANDERSON’S MAJOR WORKS
Anderson, B., McVey, R. T. and Bunnell, F. P. (1971) A Preliminary Analysis of the October 1, 1965 Coup in Indonesia. Ithaca:
Cornell Modern Indonesia Project, Publication No. 52.
Anderson, B. (1972) Java in a Time of Revolution. Ithaca: Cornell University Press.
Anderson, B. (1983) Imagined Communities: Reflections on the Origin and Spread of Nationalism. London: Verso.
Anderson, B. (1990) Language and Power: Exploring Political Cultures in Indonesia. Ithaca: Cornell University Press.
Anderson, B. (1991) Imagined Communities: Reflections on the Origin and Spread of Nationalism (revised and enlarged edition). London: Verso.
Anderson, B. (1998) The Spectre of Comparisons: Nationalism, Southeast Asia and The World. London: Verso.
Secondary Sources and References
Anderson, B. (1964) ‘Indonesia and Malaysia’, New Left Review 28: 4–32.
Anderson, B. (1967) The Pemuda Revolution: Indonesian Politics, 1945–1946, Unpublished PhD dissertation. Ithaca, Cornell University.
Anderson, B. (1976) ‘Prepared testimony on human rights in Indonesia’,in Human Rights in Indonesia and the Philippines. Washington, DC: U.S. Government Printing Office, pp. 72–80.
Anderson, B. (1980) ‘Prepared testimony on human rights in Indonesia and East Timor’,in Human Rights in Asia: Noncommunist Countries. Washington, DC: U.S. Government Printing Office, pp. 231–262 and 275–277.
Anderson, B. (1992) ‘The new world disorder’, New Left Review 193: 3–13.
Anderson, B. (1999) ‘The spectre of comparisons’, Cornell University College of Arts and Sciences Newsletter 20 (2); online:
http://www.arts.cornell.edu/newsletr/ spring99/spectre.htm (accessed 2 October 2002).
Blaut, J. M. (1987) The National Question: Decolonising The Theory of Nationalism. London: Zed Books.
Chatterjee, P. (1993) The Nation and its Fragments: Colonial and Postcolonial Histories. Princeton, NJ: Princeton University Press.
Cloke, P., Crang, P. and Goodwin, M. (eds) (2001) Introducing Human Geographies. London: Arnold.
Crang, M. (1998) Cultural Geography. London: Routledge.
Debray, R. (1977) ‘Marxism and the national question’, New Left Review 105: 25–41.
Hoelscher, S. (1999) ‘From sedition to patriotism: performance, place, and the reinterpretation of American ethnic identity’, Journal of Historical Geography 25 (4): 534–558.
Jackson, P. and Penrose, J. (1993) ‘Introduction: placing ‘‘race’’ and nation’, in P. Jackson and J. Penrose (eds) Constructionsm of Race, Place and Nation. Minneapolis: University of Minnesota Press, pp. 1–23.
Lo ¨wy, M. (1976) ‘Marxists and the national question’, New Left Review 96: 81–100.
Martin, A. K. (1997) ‘The practice of identity and an Irish sense of place’, Gender, Place and Culture 4: 89–113.
Massey, D. and Jess, P. (eds) (1995) A Place in the World? New York: Oxford University Press.
Mayer, T. (2000) ‘Gender ironies of nationalism: Setting the stage’, in T. Mayer (ed.) Gender Ironies of Nationalism: Sexing The Nation. London: Routledge, pp. 1–22.
McClintock, A. (1995) Imperial Leather: Race, Gender and Sexuality in the Colonial Contest. London: Routledge.
McDowell, L. (1999) Gender, Identity and Place: Introducing Feminist Geographies. Minneapolis: University of Minnesota Press.
Mitchell, D. (2000) Cultural Geography: A Critical Introduction. Oxford: Blackwell.
Radcliffe, S. and Westwood, S. (1996) Remaking the Nation: Place, Identity and Politics in Latin America. London: Routledge.
Said, E. W. (1993) Culture and Imperialism. New York: Vintage.
Short, J. R. (1991) Imagined Country: Society, Culture and Environment. London: Routledge.
Smith, G. and Jackson, P. (1999) ‘Narrating the nation – the ‘‘imagined community’’ of Ukranians in Bradford’, Journal of Historical Geography 25 (3): 367–387.
Spencer, P. and Wollman, H. (2002) Nationalism: A Critical Introduction. Sage: London.